Richard Huy – Bác sĩ trực tiếp thực hiện thẩm mỹ cho Đức Phúc và hàng ngàn ca lột xác đỉnh cao: Là “người hùng” phòng mổ nhưng vẫn luôn thấy có lỗi với vợ vì lý do này

“Đức Phúc phẫu thuật chia thành 2 đợt. Đợt 1 là chỉnh hình cằm, diễn ra trong 1 tiếng. Đợt 2 là chỉnh hình về mũi và môi, diễn ra trong 3 tiếng. Trong cả 2 lần phẫu thuật, bạn ấy được gây tê chứ không phải gây mê…”.

“Lần đầu cầm dao mổ giống như lần đầu lái xe, vừa cảm giác run vừa sợ vừa hưng phấn, khi phẫu thuật xong giống như mình vượt qua thử thách, vượt qua bước ngoặt của cuộc đời”.

Chúng ta đã được nghe – đọc – nhìn biết bao trường hợp lột xác ngoạn mục nhờ phẫu thuật thẩm mỹ. Phải công nhận rằng, thẩm mỹ khi được thực hiện bài bản và an toàn thật sự có thể đem lại thành quả đến khó tin. Nhưng, có bao giờ bạn tò mò những điều diễn ra bên trong cánh cửa phòng phẫu thuật, và những bác sĩ – người trực tiếp tạo hình, sửa chữa những khiếm khuyết cho bệnh nhân thường sống và làm việc như thế nào?

Vốn ôm nhiều thắc mắc như vậy, tôi tìm cách để đặt lịch phỏng vấn cùng bác sĩ Richard Huy (Võ Tiến Huy) – một vị bác sĩ thẩm mỹ “đắt khách” và dày dặn kinh nghiệm bậc nhất ở Hà Nội, đồng thời cũng là người từng thực hiện thẩm mỹ cho không ít người nổi tiếng.

Sau 2 tuần đặt lịch, tôi may mắn có cơ hội được trực tiếp trò chuyện cùng bác sĩ. Khi tôi đến, bác sĩ đã chờ sẵn với nụ cười tự tin và một đôi mắt sáng, rất nhanh sau đó bác sĩ say sưa kể cho tôi nghe về hành trình làm nghề của mình.

“Có những ngày bận đến mức, chỉ cần đứng dựa vào tường anh cũng có thể ngủ ngon lành”

Bác sĩ Richard Huy sinh ra trong một gia đình có bố làm bác sĩ, mẹ công tác trong khoa Dược của bệnh viện tỉnh, chẳng biết từ khi nào hình ảnh người bác sĩ đã trở thành thứ thân thuộc và yêu thích của anh. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, BS Huy lựa chọn ngành Y và thi đỗ trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.

Hành trình biến ước mơ thành hiện thực chẳng hề dễ dàng. BS Huy dành 6 năm theo học để học đại học. Sau đó tiếp tục theo học ngoại khoa 3 năm và dành thêm 1 năm để đi học về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Bây giờ nhớ lại những ngày mới chập chững vào nghề. Bác sĩ Huy cười và kể: Cuộc sống của một sinh viên trường y vô cùng khắc nghiệt, bởi không chỉ học mà còn cần phải trực đêm và thực hành rất nhiều để rèn luyện kỹ năng. Sau khi ra trường, các bác sĩ không được cầm dao mổ ngay mà phải trải qua 5-10 năm rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm rồi mới có thể trở thành phẫu thuật viên chính.

Bác sĩ nhớ mãi lần đầu mình cầm dao mổ: “Ngày đó anh đang học thạc sĩ, được cầm dao mổ nhưng vẫn dưới sự giám sát của các thầy. Lần đầu cầm dao mổ giống như lần đầu lái xe, vừa cảm giác run vừa sợ vừa hưng phấn, khi phẫu thuật xong giống như mình vượt qua thử thách, vượt qua bước ngoặt của cuộc đời vậy”.

Sau lần đầu tiên đó, BS cười và bảo: “Khi mình phẫu thuật được 1 ca thì mình sẽ phẫu thuật được rất nhiều ca. Càng ngày càng có kinh nghiệm và trưởng thành lên”.

Nhưng nghề y không chỉ khiến người ta phải kiên nhẫn, bạo dạn hơn mà còn cần phải có một sức khỏe tốt. BS Huy kể về những ngày học ngoại khoa tại Bệnh viện Việt Đức: “Ở Việt Đức, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm ca mổ. Gần như phòng mổ luôn hoạt động hết công suất. Vì thế có những ngày anh ở trong phòng phẫu thuật quên thời gian. Sáng, trưa, chiều, tối đều ở trong đó. Bận và mệt đến mức cảm thấy chỉ cần đứng dựa vào tường anh cũng có thể ngủ ngon lành”.

Mất đến hơn chục năm để học ngoại khoa về chỉnh hình, sửa chữa di chứng do tai nạn, bẩm sinh. Thế nhưng cánh cửa về phẫu thuật thẩm mỹ cứ dần mở dần ra với anh như một cái duyên, BS Huy bắt đầu tìm hiểu và thực hiện những ca phẫu thuật về thẩm mỹ mắt, mũi, nâng ngực, hút mỡ… sau đó, anh thường xuyên sang nước ngoài để theo học những lớp chuyên sâu về phẫu thuật thẩm mỹ. Anh cũng là người đem nhiều công nghệ từ nước ngoài về để các phẫu thuật được chính xác, tối ưu hơn.

Những năm gần đây, BS Huy không còn thực hiện các ca tiểu phẫu nhỏ mà thường đi vào nghiên cứu và thực hiện những phẫu thuật chuyên sâu ví dụ như cải thiện dị tật bẩm sinh, chỉnh hình hàm mặt… – đây đều là những thứ khó và đỉnh cao nhất trong ngành phẫu thuật chỉnh hình.

Vị bác sĩ đứng sau sự lột xác ngoạn mục của Đức Phúc và hàng loạt ca thẩm mỹ đỉnh cao

Còn nhớ vào năm 2017, cả Showbiz Việt được dịp xôn xao trước sự “lột xác” ngoạn mục của ca sĩ Đức Phúc. Ít ai biết, BS Richard Huy chính là bác sĩ phẫu thuật chính của nam ca sĩ này. Khi tôi tò mò về những gì diễn ra trước, trong và sau cuộc phẫu thuật cho Đức Phúc, bác sĩ kể:

“Đến giờ anh vẫn còn ấn tượng với Đức Phúc. Khi bạn ấy đến gặp anh, anh bất ngờ vì bạn ấy nổi tiếng nhưng khá e dè, bẽn lẽn và vô cùng lễ phép. Hình dáng của bạn ấy trước đây và bây giờ đúng là khác xa nhau. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đánh giá ca của Phúc không quá khó về chuyên môn, việc phẫu thuật diễn ra sẽ tương đối đơn giản và tiên lượng chắc chắn thành công. Bọn anh quyết định thực hiện chỉnh hình cằm, môi, mũi cho bạn ấy.

Đức Phúc phẫu thuật chia thành 2 đợt. Đợt 1 là chỉnh hình cằm, diễn ra trong 1 tiếng. Đợt 2 là chỉnh hình về mũi và môi, diễn ra trong 3 tiếng. Trong cả 2 lần phẫu thuật, bạn ấy được gây tê chứ không phải gây mê, trong quá trình mổ bạn ý vẫn biết và có thể giao tiếp với bác sĩ. Phúc vô cùng dễ thương và hiền lành chứ không như các ngôi sao khác.

Hậu phẫu của Đức Phúc tương đối đơn giản, sau 1 ngày là bạn khỏe trở lại và sinh hoạt nhẹ nhàng. Sau 2 tuần đã rất đẹp. Quả thực Phúc rất hợp với thẩm mỹ, phẫu thuật cái nào cũng rất đẹp. Đến nay bạn đã tự tin và thành công hơn trước rất nhiều”.

Ngoài Đức Phúc, BS Huy kể mình từng phẫu thuật cho nhiều người nổi tiếng khác. Trong đó có Phi Thanh Vân. Theo lời kể của anh, anh từng thực hiện một cuộc đại phẫu cho Phi Thanh Vân kéo dài 8 tiếng, can thiệp bụng, ngực mông…

Không chỉ phẫu thuật cho người nổi tiếng, BS Richard Huy còn được mệnh danh là “bàn tay vàng” khi thay đổi diện mạo cho vô vàn số phận.

Anh kể, trong cuộc đời phẫu thuật của mình có một vài điểm nhấn. Cách đây 2-3 năm, anh tiếp nhận một cô gái người Sài Gòn. Bệnh nhân nữ này bị biến dạng mặt do di chứng phẫu thuật khối u, cô gái này trước đó đã phẫu thuật 8 lần mà không thành công. Thấy cuộc đời của bệnh nhân chỉ toàn nước mắt, bác sĩ tự hứa dù khó khăn mấy cũng cố gắng phẫu thuật để cứu bệnh nhân khỏi “hố sâu” tuyệt vọng. Quả thực sau khi gặp lại bệnh nhân, chính bác sĩ cũng phải ngạc nhiên bởi cô không chỉ thay đổi ngoại hình mà còn thay đổi về ánh mắt, nụ cười và cả tâm hồn.

BS Huy còn kể, những trường hợp sau phẫu thuật thay đổi đến mức anh không thể nhận ra thường xuyên xảy ra. Mặc dù trong quá trình thực hiện, anh đã tiên lượng đây sẽ là những ca thành công, nhưng đôi khi sự lột xác của bệnh nhân là không thể ngờ tới.

Thời gian gần đây, BS Huy đang tiếp nhận phẫu thuật cho một bệnh nhân đặc biệt tên là Phạm Thị Diệu Thuý (SN 1993, Bạc Liêu) với biệt danh “một mắt”. Bệnh nhân này hiện đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Theo bác sĩ Huy, chị Thúy có u xơ thần kinh che lấp một bên mặt, ăn sâu vào vùng mắt, gây biến dạng mắt, biến dạng phần tai và các vùng giải phẫu trên mặt.

Bác sĩ đánh giá đây là một ca khó bởi trên khuôn mặt có nhiều mạch máu và thần kinh, việc loại bỏ khối u không hề dễ. Sau khi bỏ khối u, các bác sĩ còn phải sửa chữa các khiếm khuyết và phục hồi lại khuôn mặt. BS Huy cho biết, trường hợp này cần phải thực hiện ít nhất 3 lần phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật chắc chắn sẽ thành công và sở hữu diện mạo bất ngờ.

Là ‘người hùng’ trong phòng mổ nhưng lại luôn cảm thấy mình còn thiếu trách nhiệm vì điều này

Hơn 40 tuổi đời, gần 15 năm tuổi nghề, TS-BS. Richard Huy đã đối diện với biết bao thăng trầm trong nghề nghiệp. Anh bảo, trong sự nghiệp bác sĩ phẫu thuật thật sự có rất nhiều tình huống nguy hiểm và bắt buộc phải chọn lựa. Có những ca phẫu thuật xảy ra các tình huống bất ngờ như chảy máu, tổn thương mô mềm, sốc phản vệ… bản thân anh và các bác sĩ trong nghề gặp rất nhiều nhưng điều quan trọng là phải có sự bình tĩnh, cách xử trí đúng lúc và kịp thời.

Bản lĩnh và vững vàng trong phòng mổ nhưng bác sĩ Huy cũng không giấu nổi vẻ trầm tư khi nhắc đến những sự đánh đổi trong nghề.

Anh nói: “Những người làm ngành y nói chung thì thường vất vả hơn người khác, thời gian học của bác sĩ kéo dài hàng chục năm, khi đi làm họ thường xuyên phải trực đêm, phải tiếp xúc với môi trường độc hại như phòng mổ, phòng chụp X-quang hay môi trường làm việc bí bách… Nhưng có lẽ sự đánh đổi nhiều nhất đó là ít có thời gian cho gia đình”.

BS Huy kể, bản thân anh luôn cảm thấy có lỗi với những người thân yêu trong gia đình. Anh dành nhiều thời gian cho công việc và ít có cơ hội chăm sóc tổ ấm nhỏ. Ngày con mới sinh, bác sĩ phải ra nước ngoài học tập. Khi trở về nước thì con đã lớn. Vợ và các con là những người đã chịu nhiều thiệt thòi, vất vả khi anh vì bận công tác mà vắng bóng trong gia đình. May mắn thay, vợ con luôn là hậu phương vững chắc, là những người luôn ở bên và chờ đợi anh sau những giờ phẫu thuật căng thẳng.

Hơn một giờ được ngồi nghe vị bác sĩ phẫu thuật kể về hỉ, nộ, ái, ố trong sự nghiệp. Tôi thấy có lúc mắt anh hạnh phúc, tự hào nhưng có khi lại tràn đầy tâm sự. Chúng tôi tạm dừng buổi phỏng vấn ở đó nhưng suốt quãng đường về nhà, tôi vẫn mãi không thể ngừng suy nghĩ về nghề bác sĩ. Một nghề nhiều vinh quang nhưng cũng thật nhiều sự hy sinh thầm lặng, thế nhưng nếu chưa một lần được nghe, nhìn, chứng kiến có lẽ chẳng mấy ai có thể thấu hiểu hết được…

 

Nguồn: afamily.vn